13 tháng 5 và Chính sách Kinh tế Mới Ketuanan_Melayu

Vấn đề ngôn ngữ

Hiến pháp xác định trì hoãn 10 năm sau độc lập trong việc thay đổi ngôn ngữ quốc gia từ tiếng Anh sang tiếng Mã Lai. Mốc dự kiến là năm 1967 tới gần, một số người Hoa bắt đầu vận động cho một chính sách ngôn ngữ tự do hơn nhằm cho phép sử dụng Quan thoại trong một số công vụ. Những người cực đoan trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và Đảng Hồi giáo Liên Malaysia đả kích họ, song Liên minh đề xuất một thỏa hiệp trong Dự luật Ngôn ngữ quốc gia mà theo đó xác định tiếng Mã Lai là ngôn ngữ chính thức, song cho phép tiếng Anh trong những hoàn cảnh nhất định và sử dụng các ngôn ngữ phi Mã Lai cho mục đích phi chính thức. Tunku Abdul Rahman mô tả điều này như "một bước đi đảm bảo hòa bình",[85] song Dự luật bị nhiều người Mã Lai chế nhạo phổ biến, họ thành lập Mặt trận Hành động Ngôn ngữ Quốc gia với hy vọng hủy bỏ hoặc sửa đổi dự luật. Địa vị lãnh dạo của Tunku Abdul Rahman cũng bị nghi ngờ công khai.[86]

13 tháng 5

Năm 1969, một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức. Đây là lần đầu tiên các đảng đối lập có cơ sở phi Mã Lai tranh cử trên một quy mô lớn, nếu không kể Đảng Hành động Nhân dân thách thức Liên minh tại Malaysia bán đảo vào năm 1964. Hai chính đảng chính ở phe đối lập trong tổng tuyển cử năm 1969 là Đảng Hành động Dân chủ (DAP) — tổ chức kế thừa tại Malaysia của Đảng Hành động Nhân dân, được nhận định phổ biến là có căn cứ tại cộng đồng người Hoa — và Parti Gerakan Rakyat Malaysia (Gerakan), một đảng bề ngoài là đa sắc tộc dưới quyền lãnh đạo của cựu đảng viên tích cực của Công hội người Hoa Malaysia là Lâm Thương Hựu (林苍佑), và các tri thức trung lưu khác như Trần Chí Cần (陈志勤) và Syed Hussein Alatas. Cả hai đảng đều đề xuất các chính sách về ngôn ngữ, giáo dục, và quyền lợi Mã Lai hoàn toàn đối nghịch với các chính sách của chính phủ, Đảng Hành động Dân chủ tiếp tục chiến dịch "Malaysia của người Malaysia" mà Lý Quang Diệu để lại. Một số nhân vật mà hầu hết là từ Đảng Hành động Dân chủ kêu gọi trao địa vị ngôn ngữ chính thức cho tiếng Anh, Quan thoại và tiếng Tamil bên cạnh tiếng Mã Lai. Họ cũng yêu cầu hỗ trợ cao hơn của chính phủ cho tiến trình giáo dục Hoa ngữ.[87]

Trên phương diện khác, Đảng Hồi giáo Liên Malaysia nỗ lực thu hút phiếu bầu bằng cách cáo buộc Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất bán quyền lợi nguyên trú của người Mã Lai cho "pendatang asing" (ngoại kiều). Khi kết quả được công bố, Đảng Hồi giáo Liên Malaysia có được xâm nhập nhỏ, song Đảng Hành động Dân chủ và Gerakan lật đổ quyền lực của Liên minh tại ba bang, và gần như tiệt trừ đa số hai phần ba truyền thống của Liên minh trong Quốc hội.[88] Một phần lớn kết quả này bắt nguồn từ tổn thất của Công hội người Hoa Malaysia, đảng này ngay sau đó tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia trong chính phủ mới sau bầu cử, do Công hội người Hoa Malaysia không còn được ủy thác đại diện cho lợi ích của người Hoa trong chính phủ. Các cuộc tập hợp có tổ chức nhằm mừng thắng lợi của Đảng Hành động Dân chủ và Gerakan được diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur vào ngày 11 và 12 tháng 5, những người tham dự chế nhạo những người Mã Lai và mang những khẩu hiệu như "Semua Melayu kasi habis" ("Kết liễu toàn bộ bọn Mã Lai"). Một lời xin lỗi nhanh chóng được đưa ra sau các cuộc tập hợp. Tuy vậy, những người Mã Lai bị kích động trách mắng cử tri người Hoa vì phản bội "công thức Liên minh bằng cách bỏ phiếu cho một đảng đối lập, làm hồi sinh các vấn đề cơ bản về ngôn ngữ và quyền lợi đặc thù của người Mã Lai".[89]

Những người cực đoan Mã Lai hoan nghênh động thái của Công hội người Hoa Malaysia, họ cảm thấy chính phủ do Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và người Mã Lai chi phối sẽ đáp ứng tốt hơn các mục tiêu của họ.[90][91] Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tổ chức các tập hợp riêng của mình, song nó nhanh chóng biến thành một cuộc náo loạn, vào ngày 13 tháng 5. Sự kiện này sau đó được đặt tên là "Sự kiện 13 tháng 5". Những người ủng hộ Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tập hợp tại nhà của Harun vào tối ngày 13 tháng 5, nơi cuộc tập hợp bắt đầu theo kế hoạch, nhiều người trong số họ khua dao và các vũ khí khác. Một số nhà lãnh đạo chỉ trích "những lời lăng mạ" của "những kẻ ngoại đạo" trong các cuộc diễu hành mừng thắng lợi trước đó, kêu gọi phản tập hợp "để dạy cho người Hoa một bài học" về việc thách thức quyền tối cao của người Mã Lai. Ngay sau đó, đám đông bắt đầu tấn công những lái xe ô tô là người Hoa, và phát động các cuộc tấn công đốt phá nhằm vào nhà ở và cửa hàng của người Hoa. Náo loạn lan rộng, bất chấp việc quân đội được triệu đến, và tiếp diễn trong hai ngày khác.[92][93]

Như một kết quả của các vụ náo loạn, Quốc hội bị đình chỉ, và một tình trạng khẩn cấp được tuyên bố. Một Hội đồng Hành động Quốc gia (NOC) được thành lập nhằm giám sát quản lý quốc gia dưới tình trạng khẩn cấp. Mặc dù náo loạn sớm kết thúc, song căng thẳng tiếp tục nhen nhóm. Một cuộc tẩy chay của cộng đồng phi Mã Lai đối với các hàng hóa và dịch vụ của người Mã Lai nhận được sự ủng hộ "gần như hoàn toàn", trong khi nhiều người Mã Lai như Mahathir Mohamad và Raja Muktaruddin Daim bắt đầu kêu gọi về một chế độ chuyên quyền chỉ do Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất lãnh đạo, và loại bỏ Tunku Abdul Rahman. Theo một số nguồn, một nhóm phần tử cực đoan chủng tộc, gồm có Syed Nasir Ismail, Musa Hitam, và Tengku Razaleigh, cảm thấy rằng Hiến pháp chia sẻ quyền lực đã thất bại, và tán thành việc quốc gia được "trở lại" với người Mã Lai. Họ được cho là tán thành việc triệu tập Mahathir Mohamad đến Kula Lumpur, tại đây nhân vật này lãnh đạo chiến dịch chống Tunku Abdul Rahman của mình.[94]

Mahathir Mohamad viết một thư ngỏ đến Tunku Abdul Rahman, cáo buộc ông "trao cho người Hoa thứ mà họ yêu cầu... ông trao cho họ quá nhiều phương diện." Ngay sau đó, các sinh viên trên toàn quốc bắt đầu tổ chức các cuộc tuần hành lớn, kêu gọi Tunku Abdul Rahman từ chức và ủng hộ một lãnh đạo sẽ khôi phục "quyền tối cao Mã Lai". Bạo động lẻ tẻ nổ ra, được cho là do các địch thủ của Tunku Abdul Rahman xúi giục.[95]

Thay vì nhượng bộ các yêu cầu của họ, Tunku Abdul Rahman trục xuất Mahathir Mohamad và Musa Hitam khỏi Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất. Bộ trưởng Nội vụ Ismail Abdul Rahman cho rằng "Những kẻ cực đoan chủng tộc này tin vào một thuyết hoang dại và không tưởng về quyền thống trị tuyệt đối của một sắc tộc đối với các cộng đồng khác, bất chấp Hiến pháp.... Tình trạng phân hóa diễn ra trong chính trị Malaysia và những kẻ phân biệt chủng tộc cực độ trong đảng cầm quyền tiến hành một nỗ lực tuyệt vọng nhằm lật đổ hàng ngũ lãnh đạo hiện nay."[96]

Khốn cảnh người Mã Lai và Chính sách Kinh tế Mới

Mahathir Mohamad dành thời gian lưu vong chính trị của mình để viết The Malay Dilemma (Khốn cảnh người Mã Lai), trong đó ông tranh luận "rằng người Mã Lai là cư dân nguyên trú hoặc bản địa của Malaya và là dân tộc duy nhất có thể tuyên bố Malaya là quốc gia duy nhất của họ. Căn cứ phương thức thực tiễn được thi hành trên khắp thế giới, điều này trao cho người Mã Lai các quyền bất khả xâm phạm nhất định về các hình thức và nghĩa vụ của quyền công dân..." (đề cập đến khế ước xã hội.)[97]

Mahathir Mohamad bày tỏ bất mãn với "quá nhiều công dân phi Mã Lai, họ có thể lấn át người Mã Lai"[98] khi "...đột nhiên nhận ra rằng anh ta thậm chí không thể gọi Malaya là lãnh thổ của mình. Không tồn tại Tanah Melayu — lãnh thổ của người Mã Lai nào khác. Anh ta nay là một cá nhân khác, một người Malaysia, song một quyền uy mà người Mã Lai Malaysia sở hữu tại Malaya — lãnh thổ của họ — nay không chỉ phân hưởng với những người khác, mà còn phân hưởng bất công. Và nếu điều này chưa đủ, anh ta bị yêu cầu phải từ bỏ ngày càng nhiều lực ảnh hưởng."[99] Biện hộ của Mahathir Mohamad đối với quyền lợi Mã Lai đều tập trung vào cách lý luận "dân tộc quyết định" và tranh luận ủng hộ đãi ngộ ưu đãi.[100] Một thời gian ngắn sau khi trở thành Thủ tướng, Mahathir Mohamad phủ nhận mình thay đổi bất kỳ quan điểm nào từ khi viết cuốn sách.[101]

Mahathir Mohamad và Musa Hitam sau đó tái gia nhập Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và chính phủ dưới quyền thủ tướng thứ nhì là Tun Abdul Razak, nhân vật này thi hành Chính sách Kinh tế Mới (NEP) dựa trên một số cải cách mà trong sách của Mahathir Mohamad tán thành. Mục tiêu được công bố của NEP là loại trừ "sự đồng nhất sắc tộc với chức năng kinh tế".[102] Nhằm phục vụ mục đích này, NEP đặt mục tiêu "Bumiputra" (người Mã Lai và các dân tộc nguyên trú khác) đóng góp 30% kinh tế vào năm 1990. Điều này được gọi là "giải pháp 30 phần trăm", đặt ra "hạn ngạch Bumiputra" trên nhiều lĩnh vực, bao gồm phát hành mới cổ phần công khai trên thị trường và kế hoạch nhà ở cá nhân mới. Một vài nhà bình luận cho rằng điều này nuôi dưỡng "một thái độ gần như 'tổng bằng không', chủ yếu là giữa người Mã Lai và người Hoa".[103] Tuy nhiên, mục tiêu được công bố của NEP không phải là trực tiếp tái phân phối của cải mà là mở rộng chiếc bánh kinh tế trong khi cung cấp một tỷ lệ đóng góp lớn hơn dành cho người Mã Lai, do đó gia tăng sự tham gia của toàn bộ cư dân trong kinh tế.[104]

Nhân tố chính của NEP như được đề ra trong Kế hoạch Malaysia thứ nhì là nhằm giải quyết "thiếu cân bằng kinh tế" giữa người Hoa và người Mã Lai. Năm 1969, tỷ lệ cổ phần của người Mã Lai theo tường thuật là ở mức 1,5% trong khi người Hoa nắm giữ 22,8%; phần còn lại phần lớn nhằm trong tay ngoại quốc.[105] Một số lời dèm pha cho rằng tỷ lệ đóng góp của người Hoa trong kinh tế làm tăng chi phí của người Mã Lai, song tốc độ tăng trưởng sự bất bình đẳng diễn ra đáng kể hơn giữa những người Mã Lai giàu nhất và nghèo nhất — từ năm 1957 đến năm 1970, tỷ lệ đóng góp của 20% người Mã Lai giàu nhất trong đóng góp kinh tế chung của người Mã Lai tăng từ 42,5% lên 52,5%, trong khi 40% nghèo nhất giảm từ 19,5% xuống 12,7%.[106]

NOC ban hành một báo cáo gồm các phân tích của mình về căn nguyên của sự kiện bạo lực 13 tháng 5, cho thấy rằng ngay cả trong dịch vụ công, một lĩnh vực về truyền thống là do người Mã Lai chiếm ưu thế, số người phi Mã Lai đông hơn số người Mã Lai tại nhiều khu vực, đa số Mã Lai đáng kể chỉ trong Cảnh sát và Quân đội. Báo cáo kết luận: "Những luận điệu rằng các dân tộc phi Mã Lai bị loại trừ được người Mã Lai cho là cố ý xuyên tạc. Người Mã Lai là những người cảm thấy bị loại trừ trong sinh hoạt kinh tế quốc dân, nay bắt đầu cảm thấy một sự đe dọa đối với vị thế của họ trong dịch vụ công. Các chính trị gia phi Mã Lai chưa từng đề cập đến thái độ gần như đóng cửa với người Mã Lai của những người phi Mã Lai trong phần lớn các lĩnh vực trong khu vực tư nhân tại quốc gia này."[107]

Theo Kế hoạch Malaysia thứ hai, NEP nhằm mục đích "thiết lập một cộng đồng công thương Mã Lai" thông qua "các doanh nghiệp toàn sở hữu hoặc liên doanh". Trước đó, theo lời một nhà kinh tế địa phương, chính phủ đóng vai trò "hành chính, khuyến khích, và điều tiết" trong nỗ lực giải quyết mất cân bằng kinh tế, song tránh "thể hiện trực tiếp và tích cực xúc tiến" các lợi ích của người Mã Lai.[108] Bây giờ, chính phủ sẽ không chỉ "[hạn chế] tiếp cận của cư dân người Hoa và người Ấn với các đại học, công việc công cộng và tài sản công cộng," mà còn tích cực can thiệp vào kinh tế nhằm trao cho "[Bumiputra] mảnh lớn hơn trong hoạt động kinh doanh".[109] Một chỉ trích về sự gia tăng can thiệp này là Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất được cho là "trở thành một thế lực thụ hưởng chính khi mở rộng vai trò của nhà nước".[110]

Có nhiều chương trình đãi ngộ ưu đãi hạn chế được thi hành trước đây. Tuy nhiên, chúng chủ yếu tập trung vào dịch vụ công, theo Điều 153 trong Hiến pháp. Nhập học trong giáo dục bậc đại học phần lớn dựa trên năng lực. Chính phủ Tunku Abdul Rahman ưu tiên các chính sách tư do kinh doanh, giảm đến mức tối thiểu can thiệp kinh tế.[43] Mặc dù tồn tại một số cơ quan như Cơ quan Phát triển Công nghiệp Nông thôn (RIDA) nỗ lực hỗ trợ các doanh nhân người Mã Lai, song chương trình của họ bị chỉ trích là dựa trên bố thí và thiên vị các quan hệ chính trị. RIDA được đổi tên thành Majlis Amanah Rakyat (Hội Tín thác của cư dân bản địa) hoặc MARA vào năm 1965, và trở thành tượng trưng cho sự phát triển của doanh nhân Mã Lai.[111]

Mặc dù NEP là nhằm mục đích giải quyết mất cân bằng kinh tế, song nó nhanh chóng liên kết với ketuanan Melayu. Mặc dù hai khái niệm hiếm khi được đánh đồng trực tiếp, song chúng thường được đề cập đến cùng nhau, với ngụ ý rằng NEP được bắt nguồn từ ketuanan Melayu. Sự can thiệp lớn hơn của NEP vào kinh tế khiến một số người "đánh đồng hình tượng nhất thể của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất trong vai trò chiến sĩ không thể tranh nghị cho quyền tối cao của người Mã Lai với năng lực ứng phó của đảng với giao dịch thương nghiệp sinh lợi."[112][113][114]

Tu chính hiến pháp và các thay đổi chính sách khác

Quốc hội thông qua một số tu chính Hiến pháp ngay sau sự kiện 13 tháng 5, giới hạn tự do ngôn luận và "vi phạm" các điều khoản nhất định liên quan đến quyền lợi đặc thù của Bumiputra.

Quốc hội cuối cùng được tái triệu tập vào năm 1971. Mặc dù NEP được thông qua mà không được Quốc hội phê chuẩn, song muốn sửa đổi Hiến pháp thì cần phải được Quốc hội tán thành. Đạo luật hiến pháp (Sửa đổi) 1971 do chính phủ trình lên, cùng với một số sửa đổi trong Đạo luật Khích động nổi loạn,[115] hạn chế tự do ngôn luận trong "các vấn đề nhạy cảm" như ngôn ngữ quốc gia, quyền lợi đặc thù của người Mã Lai, các quân chủ Mã Lai, và các điều khoản về quyền công dân. Những hạn chế này cũng áp dụng cho các thành viên của Quốc hội, bác bỏ quyền miễn trừ nghị sĩ trước đây của họ. Các tu chính cũng làm rõ ý nghĩa của Điều 152, và bao gồm "bất kỳ người bản địa nào của các bang Sabah và Sarawak" theo Điều 153, mở rộng các quyền lợi nguyên chỉ thuộc về người Mã Lai cho toàn bộ Bumiputra.[116] Thêm vào đó, Yang di-Pertuan Agong (quân chủ liên bang) nay có thể chỉ thị bất kỳ đại học hoặc cao đẳng nào thi hành một hệ thống hạn ngạch dựa trên tỷ lệ nhằm chiếu cố Bumiputra. Toàn bộ các cơ sở giáo dục bậc đại học lập tức ban hành các hệ thống hạn ngạch theo lệnh của Bộ Giáo dục; một số sau đó đặt vấn đề về tính pháp lý của hành động này với lý do bản thân Quốc vương không ban hành bất kỳ chỉ thị nào.[117]

Nhằm chấm dứt tất cả điều này, sửa đổi các điều khoản đề cập đến "các vấn đề nhạy cảm" như được nêu ở trên, cũng như quy định điều khoản sửa đổi hiến pháp hữu quan, bị cấm nếu không có tán thành của Hội nghị các quân chủ. Các nghị sĩ đối lập chỉ trích mạnh mẽ, họ tuyên bố rằng nếu Quốc hội có thể bị ngăn thảo thuận các vấn đề cụ thể, thì quyến tối cao của Quốc hội đã bị phá hoại. Cũng không rõ ràng nếu việc cấm chỉ nói về "các vấn đề nhạy cảm" áp dụng đối với chính nó. Tuy thế, các điều khoản được thông qua.[116] Đạo luật An ninh nội bộ (ISA) cũng được sửa đổi vào năm 1971 nhằm nhấn mạnh "sự duy trì hài hòa liên cộng đồng", đạo luật cho phép chính phủ bắt giữ bất kỳ ai mà họ cho là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia trong một thời gian vô hạn định mà không cần tái xét tư pháp.[118]

Nhiều thay đổi gặp phải phản đối dữ dội trong Quốc hội và bên ngoài, Khi những đề xuất thay đổi được công bố lần đầu tiên, báo chí Anh cáo buộc họ sẽ "duy trì vĩnh viễn hệ thống phóng kiến thống trị xã hội Mã Lai" bằng cách "trao cho thể chế cổ xưa gồm các tiểu quân chủ lập hiến này quyền lực cản trở lạ thường". Công tác kiểm duyệt các vấn đề nhạy cảm được cho là nghịch lý khi tương phản với phát biểu của Tun Abdul Razak về "hoàn toàn nhận thức rõ rằng các vấn đề quan trọng cần phải không bị giấu diếm thêm nữa..."[119] Những chỉ trích khác cho rằng Điều 153 không khác gì một "bát cơm giấy", và thậm chí còn không bao gồm orang asli ("người bản địa") hoặc người nguyên trú trong phạm vi đặc quyền của nó, khiến động cơ của nó phần nào bị nghi ngờ.[120]

Một thay đổi chính sách quan trọng khác đến trong lĩnh vực giáo dục. Năm 1970, chính phủ xác định tiếng Mã Lai là ngôn ngữ giảng dạy trong giáo dục tiểu học, trung học và đại học, thay thế tiếng Anh. Mặc dù chính phủ tiếp tục cấp kinh phí cho các tiến trình giáo dục tiếng Hoa và tiếng Tamil, song nhiều người phi Mã Lai nhận định chính sách mới này là "phân biệt đối xử nhất" cho đến nay. Động cơ căn bản của chính phủ là điều này cung cấp cơ hội giáo dục tốt hơn cho người Mã Lai, đặc biệt là những người trước đây chuyển đổi từ các trường tiểu học và trung học Mã Lai ngữ sang các trường đại học Anh ngữ. Nó cũng lý luận rằng các học sinh đoàn kết trong một ngôn ngữ sẽ tạo ra hòa hợp sắc tộc lớn hơn, trong khi gián tiếp nhấn mạnh "tính chất Mã Lai của quốc gia".[108]

Cũng trong năm tiếng Mã Lai trở thành ngôn ngữ giảng dạy, Chính sách Dân tộc Quốc gia (NCP) đượcc ông bố. Syed Nasir Ismail mô tả các chính sách của chính phủ là nhằm tạo ra một "bản sắc Hồi giáo Bumiputra" (identiti Islam Kebumiputraan) cho người Malaysia.[121] Về bản chất, mục tiêu của NCP là cuối cùng sẽ đồng hóa các cư dân phi bản địa vào một bản sắc Malaysia bản địa. Bất chấp phản đối gay gắt từ các nhóm áp lực của người Hoa, chính phủ từ chối hủy bỏ NCP.[122] Nhằm khuyến khích đoàn kết dân tộc, Rukunegara, hoặc tư tưởng quốc gia, cũng được giới thiệu. Mặc dù bản thân Rukunegara không gồm các ám chỉ đến ketuanan Melayu hoặc khế ước xã hội, một bình luận của chính phủ đề cập rằng "vị thế của người Mã Lai và các dân tộc bản địa khác, lợi ích hợp pháp của các cộng đồng khác, và cấp quyền công dân" là những phương diện trọng yếu của Hiến pháp trong khi khẳng định: "Không công dân nào cần phải đặt câu hỏi về lòng trung thành của các công dân khác dựa trên việc họ thuộc về một cộng đồng cụ thể." Một nhà phê bình chính trị mô tả đây là một tuyên bố chính thức về khế ước xã hội hay "Racial Bargain".[123]

Chính trị và "sự thống trị Mã Lai"

Theo mô hình Liên minh cũ, mỗi sắc tộc được đại diện bằng một đảng, song mô hình này bị bác bỏ bằng việc hình thành Barisan Nasional (BN, hay Mặt trận Dân tộc) vào năm 1974. Một số đảng đối lập trước đây, bao gồm Gerakan, Đảng Tiến bộ Nhân dân và Đảng Hồi giáo Liên Malaysia, gia nhập Mặt trận Dân tộc do Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất lãnh đạo. Mặc dù Công hội người Hoa Malaysia và Đại hội người Ấn Malaysia cũng tham dự, song ảnh hưởng của họ bị phai nhạt trước các đảng phi Mã Lai khác trong liên minh. Năm 1977, việc trục xuất Đảng Hồi giáo Liên Malaysia khiến Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất trở thành đảng phái Mã Lai duy nhất trong Mặt trận Dân tộc, song một số đảng bề ngoài là đa sắc tộc cũng đại diện cho người Mã Lai.[124] Sau khi rời đi, Đảng Hồi giáo Liên Malaysia chọn một cách tiếp cận khác biệt với đặc quyền Mã Lai, lên án NEP là kỳ thị sắc tộc và "phi Hồi giáo".[125]

Năm 1974, Mahathir Mohamad được bổ nhiệm làm một bộ trưởng trong nội các của Tun Razak. Ông trở thành phó thủ tướng hai năm sau đó, dưới quyền Tun Hussein Onn- người kế nhiệm Tun Razak do nhân vật này đột nhiên từ trần.[126]

Trong thập niên 1970 — thời kỳ hoàng kim của NEP — "vị thế thống trị Mã Lai" là một thực tế sinh hoạt được chấp thuận trên quy mô lớn đối với người Malaysia.[126] Trong khi giai đoạn 1957-1969 được nhận định là thời gian khi "vị thế thống trị Mã Lai" ít nhất cũng bị kiềm chế bởi một hình thức "thương lượng liên sắc tộc" trong chính phủ Liên minh, thì từ sau sự kiện 13 tháng 5 trở đi, các nhà phê bình chính trị cho rằng môi trường chính trị nay nằm dưới "kiểm soát" bá chủ hiển nhiên của người Mã Lai và Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất;[127] Năm 1970, một thành viên nội các tuyên bố rằng quyền lợi đặc thù của người Mã Lai sẽ duy trì "hàng trăm năm tới".[128] Tunku Abdul Rahman nhận xét vào năm 1977 rằng "xuất hiện trong tâm trí của những người phí Bumiputra rằng họ đang bị biến thành các công dân hạng hai trong nước."[129] Các chính sách dân tộc của chính phủ dựa trên và được hợp lý hóa qua hai luận điểm cơ bản mà Mahathir Mohamad viết trong Dilemma của mình; vị thế "lịch sử" của tính ưu việt Mã Lai đối với Malaya, và "nhu cầu đặc biệt" của người Mã Lai.[130] Do thảo luận hoặc đặt câu hỏi công khai về những vấn đề này bị hình sự hóa, có ít xuất bản phẩm địa phương thảo luận phê bình về quyền tối cao Mã Lai.

Những phần tử cực đoan chủng tộc bị cáo buộc lợi dụng hỗn loạn 13 tháng 5 nay nằm trong sự kiểm soát của quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Razaleigh được ca ngợi là "Cha của kinh tế Bumiputra".[131] Hai ngôi sao đang lên trên chính trường là Musa Hitam và Mahathir Mohamad duy trì hình ảnh của họ là các "phần tử cực đoan chủng tộc", song không rõ họ có mục đích này không. Nhà báo K. Das từng nói Musa đã kể với ông "rằng một chính trị gia Malaysia trẻ tuổi chơi quân bài sắc tộc nhằm đạt được mục đích ngay cả khi không có dù chỉ một khúc xương chauvin trong thân thể anh ta."[132] Sau khi nghỉ hưu, Musa nói rằng "các nhà lãnh đạo quốc gia có khuynh hướng tìm ra một vật tế thần khi phải đối diện với một tình huống khủng hoảng tuyệt vọng" và sử dụng chiến thuật sắc tộc nhằm lấp đầy "dạ dày trống" của họ.[133]

Đoàn Thanh niên UMNO nói riêng duy trì hình thành "cực đoan chủng tộc" của mình từ thập niên 1960. Một trong các phó chủ tịch của thể chế này cho biết trong phản ứng trước các thảo luận về việc mở các đội khác nhau trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất dựa trên tư tưởng chính trị rằng "mục tiêu ban đầu của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất là để đấu tranh cho lợi ích của chủng Mã Lai và điều này cần phải tiếp tục. Chúng tôi không muốn tư tưởng bè phái trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất."[134]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ketuanan_Melayu http://www.aliran.com/high9902.html http://www.aliran.com/monthly/2005b/7d.html http://atimes.com/atimes/Southeast_Asia/FJ02Ae05.h... http://www.bernama.com/bernama/v3/news.php?id=1504... http://www.bernama.com/bernama/v3/printable.php?id... http://www.jeffooi.com/2006/10/equity_share_is_rac... http://www.jeffooi.com/archives/2005/08/the_nst_sh... http://www.jeffooi.com/archives/2005/08/we_are_16_... http://www.jeffooi.com/archives/2005/11/i_went_int... http://www.limkitsiang.com/archive/2000/dec00/lks0...